Triết lý kinh doanh quán cháo của người Hoa

Người Hoa vốn nổi tiếng có tài kinh doanh buôn bán khắp năm châu bốn bể, đặc biệt là kinh doanh về ẩm thực, từ nhà hàng lớn đến quán ăn nhỏ đều có cách phục vụ, đối đãi với khách hàng rất riêng. Đó là bí quyết được người Hoa truyền thụ cho con cháu qua nhiều đời, như triết lý kinh doanh quán cháo của người Hoa tưởng đơn giản sau đây mà không phải ai cũng học và làm được.Câu chuyện của một phóng viên nọ đến phỏng vấn một ông chủ tiệm cháo người Hoa trong một cuộc khảo sát về mô hình kinh doanh.

Phóng viên: Thưa ông trước khi mở quán và chuyên tâm bán cháo ông làm việc gì?
Chủ tiệm: Ngày nhỏ ngộ bưng cháo và rửa tô cho cha ngộ bán. Lớn lên thì tự bán.
Phóng viên: Vậy quán cháo này đã có từ bao nhiêu năm rồi?
Chủ tiệm: Ngộ không tính năm, chỉ có tính đời. Cho tới giờ là mấy đời lận. Từ thời bà cố ngộ bán cháo đến ông nội ngộ rồi cha ngộ cũng bán cháo. Bây giờ là ngộ bán cháo. Sau này con trai ngộ…
Phóng viên: Trời ơi! Bao nhiêu đời mà chỉ bán cháo chớ không có gì khác ư?
Chủ tiệm: Khác nhiều chớ, ngày trước chỉ có một quán cháo ở Quảng Châu, cho tới giờ gia đình mở được hai quán ở Sài Gòn, ba quán ở Hoa Kỳ và bốn quán ở Úc.
Phóng viên: Người ta cố gắng để thành công rồi sau đó cho con cái làm Giám Đốc, còn ông thì sao?
Chủ tiệm: Dù Ngộ có thành công thì vẫn muốn các con làm chủ quán cháo.
Phóng viên: Như vậy ông không muốn chúng được học hành lên cao sao?
Chủ tiệm: Muốn nhiều chớ, con ngộ hiện giờ một đứa có bằng Thạc sĩ kinh doanh về cháo, thằng anh nó thì vừa bảo vệ luận án Tiến sĩ về lĩnh vực cơm.
 Phóng viên: Ở trong bếp à?
Chủ tiệm: Không! Chúng học tại Đại học Havard, Hoa Kỳ.
Phóng viên: Học xong chúng nó sẽ ở đâu? Rồi làm nghề gì?
Chủ tiệm: Tụi nó sẽ về nhà này và thành người rửa tô cho cha của chúng và quán cháo này.
Phóng viên: Khi khách hàng đến đây ăn cháo, ông xem họ là gì? Là Vua hay Thượng Đế?
Chủ tiệm: Theo ngộ nghĩ, gọi khách hàng là gì thật ra không quan trọng bằng việc ngộ đối xử với họ thế nào.
Phóng viên: Tôi hay nghe người ta kể lại rằng có nhiều tỷ phú người Hoa đã bước tới thành công với khởi đầu từ một thùng đậu phụng rang, có đúng không ông?
Chủ tiệm: Không đúng! Nếu vào ngày đầu tiên đi bán làm sao họ có được cả thùng như lời đồn, chỉ chừng vài trăm hột đã lớn lắm rồi.
Phóng viên: Tôi thấy ông có tiền mà ông mặc bộ đồ bằng vải thô như thế này à?
Chủ tiệm: Dạ, khách hàng vô đây ăn cháo chủ yếu là người bình dân. Họ sẽ thích và muốn vô nếu nhìn thấy ông chủ tiệm cũng đang ăn bận giống như họ.
Phóng viên: Theo ông lý do gì khiến người Hoa thích kinh doanh ẩm thực?
Chủ tiệm: Thưa, đơn giản vì kinh doanh ẩm thực phục vụ cho cái bụng con người, ăn uống làm con người ta trở nên dễ chịu hơn. Còn nếu tập trung kinh doanh để phục vụ cho cái đầu tất sẽ phát sinh nhiều rắc rối không đáng có.
Phóng viên: Tôi thấy ông bán đủ các loại cháo tim gan cật, mà sao sáng ra nhà ông chỉ ăn toàn cháo trắng và củ cải ngâm muối?
Chủ tiệm: Dạ, nếu ngộ cứ ăn xài cao hơn khả năng mà ngộ có thì thế nào cũng tới ngày ngộ phải nhảy vào nồi cháo để thay các thứ kể trên.
Phóng viên: Kinh doanh như vậy ông có đi vay vốn ngân hàng hay không?
Chủ tiệm: Không bao giờ. Nhà băng tuy có nhiều tiền thiệt, nhưng họ không có bí quyết nấu cháo ngon để cho ngộ mượn cả.
Phóng viên: Nếu bây giờ tôi muốn ăn thử một tô cháo do quán ông nấu, nhưng tôi lại quên mang theo tiền liệu ngày mai tôi quay lại thanh toán cho ông được không, thưa ông?
Chủ tiệm: Dạ, không cần thiết phải là ngày mai mà cho dù 20 năm sau ông tới tiệm để thanh toán cũng được mà.
Phóng viên: Nhưng cho lúc ấy quán ông tính lãi suất như thế nào?
Chủ tiệm: Dạ, món lãi của ngộ chính là việc ông luôn nghĩ tới quán cháo này và đó mới là khoản lãi lớn mà quán cháo này có được.
***
20 năm sau, người phóng viên năm nào có dịp để quay lại quan cháo xưa để gặp ông chủ quán cháo nay tuổi ông đã trên 70.
Phóng viên: Chào cụ, chúc cụ sức khoẻ, tôi là người phóng viên khi xưa đến để trả tiền cho tô cháo đã nợ của cụ từ 20 năm về trước. Không biết giờ cụ có còn nhớ tôi chăng?
Chủ tiệm: Ngộ nhớ ra rồi! Cám ơn ông đã quay lại.
Phóng viên: Cụ vẫn nhớ tôi thật sao?
Chủ tiệm: Trong việc buôn bán làm cho khách hàng nhớ tới mình đã khó, việc mình phải nhớ khách sẽ thêm bội phần khó hơn, may mắn bổn tiệm làm được điều đó.
Phóng viên: Tôi quan sát thấy quán cháo của cụ tới giờ vẫn như xưa, không có gì thay đổi!
Chủ tiệm: Thiệt sự chúng tôi không có thay đổi gì nhiều.
Phóng viên: Chắc các quán khác ở Hoa Kỳ, ở Úc… cũng không thay đổi chứ?
Chủ tiệm: Nếu mà còn thì nay chắc cũng không có gì để thay đổi đâu.
Phóng viên: Bây giờ không còn quán cháo ở nơi đó nữa sao?
Chủ tiệm: Không còn nữa.
Phóng viên: Vì sao vậy?
Chủ tiệm: Vì không còn ai trong gia đình này đến nấu cháo ở những thành phố đó nữa.
Phóng viên: Thế các người con của cụ nay đâu cả rồi?
Chủ tiệm: Ngộ giờ tuổi cao sức yếu nên chúng phải về đây thay ngộ nấu cháo ở tiệm này.
Phóng viên: Tôi nhớ cụ từng nói: cụ của cụ nấu cháo, đời ông của cụ nấu cháo đến cha của cụ cũng nấu cháo rồi đời cụ nấu cháo, con cụ dù làm tiến sỹ cũng nấu cháo, tôi nghĩ rằng các cháu cụ… 
Chủ tiệm: Các cháu của ngộ giờ chúng không còn nấu cháo nữa rồi.
Phóng viên: Ô! Sao vậy? Bây giờ chúng đã có việc làm khác rồi ư?
Chủ tiệm: Giờ chúng cùng nhau thành lập công ty, tập đoàn rồi thuê người nấu cháo thay hết thảy. Chúng mở nhà máy sản xuất cháo hàng loạt, như các loại cháo ăn liền. Chúng có tới 20 chủng, 80 loại và trên 100 nhãn hiệu liên quan đến cháo. Đứa thì phụ trách nhà máy chuyên sơ chế nguyên liệu, đứa khác lo nhà máy bao bì, đứa đảm nhận khâu thành phẩm, phụ gia, đứa lại làm công tác Truyền Thông, và có đứa thì chuyên phân phối, giao bán sản phẩm trên toàn Thế Giới, đến cả các vùng hẻo lánh, vùng sâu và vùng xa..
Phóng viên: Nhưng trước đây cụ nói… 
Chủ tiệm: Thời của ngộ nấu một bát cháo mất nửa giờ chỉ lãi 1 đô. Các cháu ngộ, chúng nó “nấu cháo điện thoại”, mỗi lần “nấu” mất hơn 1 giờ nhưng lãi cả tỉ đô.
Phóng viên: Chà chà! Gia đình thành công như vậy, liệu cụ có thèm lấy tiền  tô cháo tôi nợ 20 năm trước không?
Chủ tiệm: Đội ơn ông, tiền thì ngộ vẫn xin nhận. Cháu ngộ có cách kiếm tiền của chúng. Ngộ và các con ngộ vẫn giữ cách kiếm tiền riêng.

0 nhận xét:

Post a Comment